Do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, nhiều thanh niên Ấn Độ, Thái Lan, Philippines đối mặt tình trạng khó tìm việc, bị cắt giảm lương.
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi tương lai của nhiều người trẻ châu Á.
Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức Lao động Quốc tế dự đoán có tới 15 triệu việc làm ở 13 quốc gia trong khu vực biến mất vào năm 2020. Những người có thể tìm được việc thì phải đối mặt với viễn cảnh thu nhập thấp trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ tới.
Đối với nhiều người, đây là cú sốc thứ hai chỉ trong hơn một thập kỷ, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009.
South China Morning Post phỏng vấn người trẻ ở một số quốc gia châu Á về tình cảnh của họ khi bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng như dự định, kỳ vọng về tương lai.
Ấn Độ - bấp bênh
Vào đầu năm nay, Rajeev Kumar (25 tuổi) đã sẵn sàng để bắt đầu thực hiện những kế hoạch lớn cho tương lai. Anh vừa nhận được công việc tại một công ty công nghệ thông tin ở Noida, ngoại ô New Delhi, sau khi chi hơn 8.000 USD cho khóa học cử nhân công nghệ 4 năm tại một trường cao đẳng tư thục ở thành phố Alwar.
Mức lương khởi điểm 30.000 rupee (400 USD)/tháng chỉ đủ cho Kumar tiết kiệm dần cho đám cưới dự định tổ chức vào năm 2021. Anh cũng hy vọng lương hàng tháng sẽ đạt 50.000 rupee (670 USD) trước khi kết hôn.
Tuy nhiên sau đó, dịch Covid-19 tấn công. Vài tuần sau khi Ấn Độ tiến hành phong tỏa toàn quốc để hạn chế sự lây lan của dịch, Kumar bị công ty giảm lương xuống còn 21.000 rupee (280 USD)/tháng.
Đến tháng 7, anh hoàn toàn thất nghiệp sau khi trở thành 1 trong 100 nhân viên bị sa thải, nhận một tháng lương tiền trợ cấp thôi việc.
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi tương lai của nhiều người trẻ châu Á. |
Đến tháng 9, anh may mắn tìm được một công việc khác song vẫn không ngừng lo lắng cho tương lai của mình.
“Bây giờ hầu như không có nơi nào tuyển dụng. Ngay cả khi có một số ít, mức lương cũng chẳng khá khẩm. Tôi không nghĩ là lương của mình sẽ sớm chạm được mức 50.000 rupee. Tôi không thể kết hôn khi cuộc sống bấp bênh như vậy”.
Kumar nằm trong số 121 triệu người Ấn Độ bị mất việc làm sau khi nước này phong tỏa do dịch, theo ước tính của Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ.
Nền kinh tế quốc gia tỷ dân suy giảm gần 24% trong quý II, là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giữa tháng 9, Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 90.000 trường hợp nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, tổng số ca mắc tính đến giữa tháng 11 là 8,5 triệu người, hơn 130.000 trường hợp tử vong.
Kumar cho biết anh đã lùi ngày dự định mua một căn hộ hoặc một mảnh đất cho đến ít nhất là năm 2030. “Trong hoàn cảnh này, tôi không chỉ thận trọng khi tiêu tiền mà còn phải thận trọng với những giấc mơ lớn”.
Philippines - kỳ vọng tiêu tan
Abigail Patawaran, sống ở thủ đô Manila, không ngờ gặp phải khó khăn đến vậy khi tìm kiếm công việc đầu tiên của mình, dù tốt nghiệp đại học với số điểm cao và có được giấy phép hành nghề bác sĩ tâm lý.
"Tôi đã kỳ vọng lớn vào bản thân và sự nghiệp sau khi tốt nghiệp. Tôi cứ nghĩ sau khi vượt qua mọi kỳ thi đánh giá, tôi sẽ tìm được một công việc dễ dàng", cô bày tỏ.
Patawaran thừa nhận việc bị từ chối bởi các công ty tuyển dụng khi đại dịch hoành hành đã giáng một đòn vào lòng tự trọng của cô.
“Tôi thường rất kiên cường nhưng bắt đầu trở nên lo lắng về tương lai, sự nghiệp của mình. Tôi cảm thấy áp lực".
Theo số liệu chính phủ, GDP của Philippines đã giảm 16,9% trong quý II sau khi thực hiện phong tỏa. Người dân Philippines độ tuổi 15-34 là nhóm chịu ảnh hưởng kinh tế lớn nhất, chiếm 68% trong số 4,6 triệu người thất nghiệp tính đến tháng 7.
Nhiều thanh niên châu Á đối mặt công việc bấp bênh do đại dịch |
Dù chính phủ đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế và cho phép các văn phòng mở cửa trở lại vào tháng 6, cơ hội vẫn còn ít ỏi cho những sinh viên mới ra trường như Patawaran.
“Hầu hết công việc ở cấp độ đầu vào đều yêu cầu kinh nghiệm làm việc ít nhất 2 năm. Và với tình hình hiện tại, ngay cả những chuyên gia có kinh nghiệm 5 năm cũng đi xin việc”, cô nói.
Đến tháng 11, sau 8 tháng áp dụng các biện pháp ngăn chặn liên tục, Philippines đã ghi nhận hơn 400.000 ca mắc Covid-19 - một trong những con số cao nhất ở Đông Nam Á. Bất chấp tình hình đó, chính phủ đã cam kết mở cửa lại nền kinh tế, khuyến khích du lịch trong nước và nới lỏng hạn chế về phương tiện giao thông công cộng.
“Tôi rất tức giận. Như thể họ đang xem nhẹ mọi thứ. Thời điểm này, thật mệt mỏi khi phải nghĩ xem mình sẽ ở đâu trong vài năm tới".
Thái Lan - giấc mơ biến mất
Sắp tốt nghiệp đại học, Patsaravalee Tanakitvibulpon đã mường tượng về một tương lai mịt mù phía trước: công việc lương thấp - nếu cô may mắn được thuê - không nhà, không xe hơi.
Tệ hơn cả, cô lo lắng mình không có khả năng đáp ứng một trong những nhiệm vụ quan trọng của bậc con cái ở Thái Lan: chăm sóc cha mẹ khi họ lớn tuổi.
“Tôi muốn ổn định và có một gia đình trước năm 30 tuổi như những người khác. Tôi muốn mua cho bố mẹ một ngôi nhà và một chiếc xe hơi vào năm 35 tuổi. Tôi muốn họ trở thành những người hạnh phúc, không phải làm việc và chỉ thư giãn vì họ xứng đáng được như vậy".
Nhiều thanh niên Thái Lan ra đường biểu tình phản đối chính phủ |
Nền kinh tế Thái Lan đã suy giảm 12,2% trong quý II do virus corona tàn phá ngành du lịch và xuất khẩu. Khoảng 8,4 triệu người nước này dự kiến thất nghiệp vào cuối năm nay, trong khi thống kê chính thức cũng cho thấy 300.000 sinh viên mới tốt nghiệp sẽ gia nhập hàng ngũ nửa triệu người đang tìm việc.
Ngay cả khi Tanakitvibulpon xoay xở để kiếm được việc làm, mức lương cơ bản cho sinh viên mới ra trường ngành kỹ thuật của cô cũng chỉ khoảng 15.000 baht (500 USD)/tháng.
“Mức lương này giống như là của 10 năm trước vậy. Mọi người có tưởng tượng được điều đó không?".
Mất niềm tin
Tức giận, vỡ mộng và tuyệt vọng là trạng thái chung của nhiều người trẻ đang đối mặt với một tương lai bất ổn do đại dịch.
Một nghiên cứu của Học viện Kinh tế Chính trị London cho thấy những người trải qua thời điểm dịch bệnh trong độ tuổi từ 18 đến 25 trở nên ít tin tưởng vào các nhà lãnh đạo chính trị, chính phủ và thậm chí là các cuộc bầu cử.
“Hầu hết người trẻ gần đây đã bắt đầu bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử đang hoặc sắp diễn ra. Do đó, nếu họ mất niềm tin vào chính trị, họ có thể ngừng tham gia vào hệ thống bầu cử chính thức và bắt đầu tìm kiếm những cách thay thế để nói lên ý kiến của mình", Orkun Saka, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Saka cho biết tác động này đặc biệt mạnh mẽ ở những quốc gia có chính phủ bị chia rẽ, rời rạc hoặc không được lòng dân và “không vượt qua được các thách thức do dịch bệnh đặt ra".
0 Comments